fbpx

Yếu tố quyết định sự thành công trong chuyển đổi số

Sau đại dịch Covid-19, công cuộc chuyển đổi số đang dần trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm thiểu chi phí và tăng tốc phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên việc tìm kiếm một giải pháp phù hợp với chính doanh nghiệp mình, hay làm thế nào để thực hiện thành công việc chuyển đổi số , đây rõ ràng luôn là nỗi băn khoăn của các doanh nghiệp. Vậy đâu là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong chuyển đổi số của một doanh nghiệp? Làm cách nào để thúc đẩy sự thành công đó hoặc khắc phục những thách thức mà các yếu tố đó mang lại?

Dưới góc nhìn của người sát cánh đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp trong các dự án triển khai chuyển đổi số, Smartlog sẽ chia sẻ với bạn đọc qua một cuộc phỏng vấn ngắn với chị Nguyễn Vũ Đan Khuyên – Giám đốc phát triển Giải pháp và Sản phẩm tại Smartlog.

Xin chào chị Khuyên! Là head của phòng PSD (Product & Solutions Department), chị có thể giới thiệu đôi chút về hoạt động phòng PSD? Chị mong muốn mang lại những giá trị (sản phẩm) gì để phục vụ khách hàng, đối tác của mình? 

Phòng PSD  là phòng Phát triển Giải pháp và Sản phẩm của công ty Smartlog. Đối với tôi, Smartlog có lẽ là một công ty khá đặc biệt khi là công ty công nghệ nhưng lại định hướng cung cấp giải pháp công nghệ cho khách hàng hơn là một sản phẩm công nghệ.

Sơ đồ tháp giải pháp logistics của Smartlog

Khi hướng đến chuyển đổi số cho khách hàng, chúng tôi không tập trung vào sản phẩm công nghệ tự thân mà luôn tâm niệm: công nghệ chỉ là điểm chuyển đổi của những giải pháp vận hành được thiết kế phù hợp và gia tăng lợi thế cạnh tranh của khách hàng, và khi đó công nghệ sẽ đóng vai trò như một nền tảng thúc đẩy việc chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Với nhiệm vụ này, phòng PSD đóng vai trò cầu nối giữa nhu cầu khách hàng và đội ngũ kỹ sư máy tính, nhằm cung cấp giải pháp để giải quyết những “vấn đề” hiện tại của khách hàng và giúp khách hàng chuẩn bị nền tảng để đón đầu xu hướng phát triển của ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Với giải pháp vận hành, chúng tôi sẽ dựa trên những giải pháp đó, đưa ra các phân tích về mặt hệ thống cho đội ngũ IT xây dựng giải pháp công nghệ tương ứng cho khách hàng.

Theo chị, trong kinh nghiệm triển khai các dự án, đâu là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong chuyển đổi số của một doanh nghiệp? Làm cách nào để thúc đẩy sự thành công đó hoặc khắc phục những thách thức mà các yếu tố đó mang lại?

Theo kinh nghiệm triển khai các dự án về chuyển đổi số của tôi, sự thành công hoặc thất bại đa phần đến từ yếu tố sự ủng hộ và tin tưởng vào dự án của đội ngũ Ban Giám Đốc và Ban Quản lý dự án.

Năm trụ cột quan trọng trong chuyển đổi số bao gồm: Văn hóa và Chiến lược số, Gắn kết nhân viên và Khách hàng, Đổi mới quy trình, Áp dụng công nghệ và sau cùng là Data-driven. Trong đó, yếu tố số 1 là yếu tố tiên quyết và là nền tảng quyết định sự thành công của chuyển đổi số, các yếu tố còn lại đều thể hiện sự nhất quán theo yếu tố đó.

Năm trụ cột quan trọng trong Chuyển đổi số

Thông thường các công ty khi tìm đến các công ty công nghệ về chuyển đổi số thuộc một trong hai nhóm: Hy vọng (Hope) và Khắc phục (Fear). Với nhóm công ty Hy vọng, họ thực sự tập trung vào giá trị cung cấp cho khách hàng, năng lực cạnh tranh, đón đầu cơ hội kinh doanh hoặc dẫn đầu thị trường. Họ thuộc nhóm đi đầu trong chuyển đổi số, có am hiểu về chuyển đổi số và thường rất tích cực trong việc động viên toàn bộ hệ thống công ty theo tầm nhìn này.

Với nhóm Khắc phục, họ chỉ thực sự nghĩ đến việc ứng dụng chuyển đổi số khi đang gặp một vấn đề nào đó không thể quản lý, đứng trước nguy cơ mất khách hàng hoặc thu hẹp kinh doanh. Mặc dù vậy, vì ở thế bị động nên các công ty cũng khá dè chừng và chưa đủ sự tin tưởng vào chuyển đổi số hoặc đơn giản là họ đang rơi vào trạng thái “unknown” – không biết những gì mình không biết.

Khi tiếp cận với các doanh nghiệp, dù ở nhóm Hy vọng hay Khắc phục, chúng tôi đều theo hướng cung cấp giải pháp nhiều hơn là cung cấp hệ thống công nghệ. Đầu tiên là vấn đề thời điểm: Ban Giám Đốc sẵn sàng, nhân viên sẵn sàng, khách hàng của họ sẵn sàng. Chúng tôi bắt đầu từ việc chỉ ra tại sao việc chuyển đổi số lại cần thiết với từng đặc thù doanh nghiệp và tại thời điểm nào nên triển khai hạng mục gì.

Thứ hai là giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức về những điều chưa biết bằng việc phác thảo một bức tranh chuyển đổi số từ tổng quan đến chi tiết, có lộ trình rõ ràng cho việc chuyển đổi theo đặc thù vận hành từng doanh nghiệp bắt đầu tại nơi dễ nhìn thấy kết quả nhất. Sau đó, chuyển đổi số sẽ vận hành như cách thức “vệt dầu loang”.

Nhắc đến văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số, chị đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại các tập đoàn lớn ở Việt Nam và các công ty đa quốc gia. Khi gia nhập Smartlog, chị cảm nhận văn hóa làm việc ở đây như thế nào?

Smartlog là một môi trường trẻ trung, năng động với đa số là nhân sự thuộc gen Z. Ở đây, mọi người có thể thoải mái đưa ra ý kiến của mình trong công việc, và tự chủ trong hoạt động của mình.

Chúng tôi xây dựng mô hình Kim tự tháp ngược, nơi mà nhân viên chủ động đề xuất và thực hiện hơn là nhận chỉ thị từ cấp trên. Bộ phận quản lý có trách nhiệm hỗ trợ các bạn các công cụ và phương tiện cần thiết trong việc thực hiện nhiệm vụ hơn là phân chia công việc và quản lý nó.

Chúng tôi cũng không có hệ thống báo cáo mà công việc được cập nhật trên các ứng dụng công việc như Jira, Slack, Airtable, giúp dòng chảy thông tin được thông suốt. Các hành vi thử nghiệm được khuyến khích. Thất bại không bị phê phán, mà quan trọng là các bạn học được gì từ thất bại đó. Nhân viên cảm thấy an toàn và được thể hiện tính cách bản thân trong môi trường công sở là một điều đơn giản nhưng cũng là điều khá tuyệt.

Cảm ơn phần chia sẻ của chị Khuyên! 

Qua đây, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ có cái nhìn tổng quan về cách thức triển khai chuyển đổi số, từ đó có sự chuẩn bị kỹ càng hơn về mặt nguồn lực, đơn vị hợp tác,… để công cuộc chuyển đổi số trở nên thành công.

Biên tập: Trần Anh Thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

0938 545 272