fbpx

NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO E-LOGISTIC: TẠI SAO LẠI PHÍ THỜI GIAN VÀO NHỮNG ĐIỀU ĐÃ CÓ RỒI?

Nguyên tắc thành công của dịch vụ hậu cần trên nền tảng thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh thay đổi từng ngày từng giờ. Điều không đổi đó là khách hàng, cá nhân hay tổ chức luôn là trung tâm của chuỗi cung ứng. Khách hàng chính là điểm trọng tâm mà mọi quy trình vận hành chuỗi cung ứng phải tập trung giải quyết và đáp ứng.

Quan điểm “lấy khách hàng là trung tâm” thúc đẩy nhà sản xuất, nhà bán lẻ ở bất kể quy mô nào cũng phải xem xét lại chiến lược và năng lực của mình để thành công trong một thị trường năng động, cạnh tranh và rủi ro cao.

Tháng 3/2017, Walmart ngừng xây dựng trung tâm phân phối rộng hơn 11ha ở Merced, CA được khởi công năm 2015. Bà Delia Garcia, quản lý cấp cao về truyền thông của Walmart, cho biết: “Bản chất của ngành bán lẻ đã thay đổi so với 12 năm về trước. Chúng tôi đã cải tiến và đổi mới phương thức kinh doanh bằng việc đầu tư mạnh vào thương mại điện tử và năng lực thương mại điện tử.”

Bản chất ngành bán lẻ bắt đầu thay đổi từ năm 2005. Theo Bộ thương mại Mỹ, 12 năm trước, doanh thu từ thương mại điện tử là 91.4 tỷ đô chiếm 2.5% tổng doanh thu ngành bán lẻ toàn nước Mỹ. Năm 2016, doanh thu từ thương mại điện tử chạm mốc 394.9 tỷ đô chiếm 8.1% tổng doanh thu ngành bán lẻ. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử giai đoạn 2015 – 2016 là 15.1%, trong khi tốc độ tăng trưởng tổng ngành bán lẻ chỉ là 2.9%.

Tốc độ tăng trưởng đáng kể cộng với nhu cầu khách hàng ngày càng gia tăng (nhanh hơn, đáng tin cậy hơn, miễn phí giao hàng) bắt đầu tác động đến quy trình vận hành chuỗi cung ứng và logistic, mạng lưới, yêu cầu về công nghệ. Khách hàng mong đợi một dịch vụ nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn làm cho việc cân đối giữa chi phí tồn kho, chi phí vận chuyển, chi phí nhân công phức tạp hơn bao giờ hết.

Doanh nghiệp phải tự đặt ra nhiều câu hỏi và yếu tố để lựa chọn chiến lược thương mại điện tửbán lẻ đa kênh đúng đắn. Ví dụ như:

– Chúng ta nên xây dựng những trung tâm phân phối (fulfillment center) dành riêng cho thương mại điện tử hay không?

Nhà sản xuất, nhà bán lẻ lúc ban đầu xây dựng trung tâm phân phối dùng chung cho cả thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Sau đó, họ tách ra khi quy mô, phạm vi thay đổi. Trong nhiều trường hợp, việc tách ra là do sự gia tăng chi phí tồn kho (thừa hàng quá nhiều ở kho này nhưng thiếu hàng ở kho khác), gia tăng chi phí vận chuyển (quãng đường vận chuyển quá dài hoặc nhiều đợt giao hàng (shipment) chỉ cho một đơn hàng), chất lượng phục vụ thấp.

Trở về ví dụ của Walmart, họ thay đổi bằng cách xây dựng những trung tâm và kênh phân phối mới dành riêng cho thương mại điện tử. Theo báo cáo của Wall Street Journal, một đơn đặt hàng nhiều sản phẩm khác nhau từ Walmart có thể được soạn từ nhiều địa điểm cách biệt. Mục đích của Walmart là xây dựng những trung tâm phân phối với địa điểm riêng biệt cùng nguồn hàng đa dạng phục vụ cho việc soạn hàng, giao hàng nhanh chóng.

– Chúng ta có nên cộng tác với các nhà cung ứng bằng việc bán lẻ hàng hóa của họ với giá cao hơn mà không cần lưu kho hay vận chuyển (drop-shipping) hay không?

Một nghiên cứu được xuất bản tháng 01/2017 trên RSR (Retail System Research) cộng tác với SPS Thương mại điện tử cho thấy 40% số công ty trong tổng số 563 công ty được khảo sát (bao gồm nhà bán lẻ, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ logistic) dự định sẽ tăng số lượng đối tác drop-shipping trong năm 2017. Đặc biệt, đối với nhà cung cấp dịch vụ logistic, họ mong đợi con số hợp tác lớn đáng kể trong kế hoạch 3 năm tới. Home Depot, Macy’s và Pier 1 Imports là ba trong số những nhà bán lẻ tích cực trong hoạt động drop-shipping.

– Và câu hỏi lớn nhất đặc biệt đối với các công ty mới gia nhập thị trường: Làm thế nào để thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh có thể nâng cao năng lực hoàn thành đơn hàng mà vẫn tối thiểu hóa rủi ro, chi phí, thời gian để đưa sản phẩm ra thị trường (time-to-market)?

Thay vì việc phí thời gian vào những thứ đã có rồi, để giải quyết vấn đề này, nhiều công ty tập trung tận dụng tối đa tiềm năng của mạng lưới, các nguồn lực và các mối quan hệ sẵn có, đặc biệt là mối quan hệ với các nhà cung cấp dịch vụ logistic.

Giải pháp cho thương mại điện tử đã có mặt trên thị trường

Tháng 09/2016, Prologis nhận định: “Vai trò của những nhà cung cấp dịch vụ logistic bên thứ 3 (3PL – Third-party logistic) đang dần trở nên quan trọng trong thương mại điện tử. Rất nhiều vấn đề vận hành logistic của khách hàng đang được thực hiện bởi bên thứ ba với tư cách là nhà bán lẻ, đặc biệt ở phân khúc khách hàng vừa và nhỏ. Vận hành các dịch vụ hoàn thành đơn hàng trên nền tảng thương mại điện tử (E-fulfillment) cần rất nhiều kỹ năng. Đối với những nhà bán lẻ trực tuyến, các trợ giúp chuyên môn từ 3PL là vô cùng cần thiết trong giai đoạn doanh nghiệp phát triển nhanh chóng.”

Vậy nên bắt đầu từ đâu? Hãy đồng hành cùng các đối tác 3PL vì họ sở hữu hai yếu tố then chốt của sự thành công: thứ nhất, bạn tin tưởng họ từ việc họ quản lý thành công các công tác hậu cần của công ty bạn trong quá khứ; thứ hai, họ đã rất quen thuộc với những sản phẩm và chuỗi cung ứng của công ty bạn cũng như những xu hướng phát triển, tiềm lực của thị trường này.

Mike Fahey, phó chủ tịch vận hành cho Haier America, cho rằng: “Chọn đối tác đúng, công việc sẽ suôn sẻ… Tôi luôn tin rằng hợp tác với đúng đối tác 3PL là chìa khóa của sự thành công. Tôi mong rằng công ty bạn cũng tìm ra được một đối tác 3PL có văn hóa và kinh nghiệm trong thị trường, biết chia sẻ những trách nhiệm trong quá trình vận hành. Chúng tôi cung cấp các giải pháp E-Com cho ngày càng nhiều công ty lớn khi nhu cầu của họ ngày càng tăng. Chúng tôi hợp tác với các đối tác 3PL trong việc cải tiến quy trình hoàn thành đơn hàng qua thương mại điện tử với mục đích giảm chi phí đồng thời giảm thời gian quay vòng đơn hàng (turnaround time). Thương mại điện tử càng phát triển, áp lực càng gia tăng, càng nhiều công ty sẽ tìm đến giải pháp này. Với những đối tác 3PL, chúng tôi sẽ học hỏi những công ty thành công trong vấn đề tự động hóa và cải tiến quy trình.”

Sẽ tốn hàng năm ròng để xây dựng niềm tin và chia sẻ kiến thức song phương. Vì vậy, thay vì bắt đầu từ con số 0 với một đối tác 3PL bạn chưa từng làm việc cùng, hãy tìm kiếm những đối tác sẵn có trong mạng lưới của bạn và xem họ có thỏa mãn những yêu cầu trong dịch vụ hoàn thành đơn hàng trên nền tảng thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh của bạn hay không.

Một số yếu tố để xác định đối tác 3PL hiện tại của bạn có thể giúp bạn vượt qua thành công những thử thách thương mại điện tử hay không:

Công nghệ hiện đại và linh hoạt: Phần mềm và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ hoàn thành đơn hàng nền tảng thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh, bao gồm tầm nhìn chuỗi cung ứng (supply chain visibility) đặc biệt là trực quan hóa với dữ liệu thời gian thực trong quản lý tồn kho xuyên suốt mạng lưới; quản lý phân phối đơn hàng (DOM); quản lý vận chuyển (bao gồm cả drop shipping); tự động hóa và quản lý kho; phân tích kinh doanh và trí thông minh doanh nghiệp (BI). Dù cho hệ thống này có là của bạn hay được cung cấp bởi các đối tác 3PL, bắt buộc công nghệ phải hiện đại, linh hoạt để đáp ứng nhanh chóng với những thay đổi trong yêu cầu và quy trình của doanh nghiệp.

Sự phù hợp về chiến lược và văn hóa: Bạn và đối tác 3PL có chia sẻ những giá trị giống nhau và cam kết hợp tác vì những cải tiến liên tục? Liệu những chiến lược phát triển và đầu tư của đối tác 3PL có phù hợp với doanh nghiệp bạn, đặc biệt ở lĩnh vực hoàn thành đơn hàng nền tảng thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh? Câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên nên là “Có”. Mức lý tưởng, bạn và đối tác 3PL sẽ chia sẻ những tầm nhìn chung phù hợp với mục tiêu và mong muốn của khách hàng cuối cùng hoặc là người tiêu dùng cuối cùng trong nhiều trường hợp.

Chia sẻ rủi ro và lợi ích: khách hàng ngày một mong muốn một dịch vụ nhanh hơn, đối tác sẽ chịu nhiều rủi ro và trách nhiệm hơn trong quản lý chuỗi cung ứng, vì vậy doanh nghiệp cần phải lựa chọn đối tác 3PL đúng đắn và quản lý mối quan hệ này hợp lý. Tập trung xây dựng quan hệ dài hạn trên cơ sở sự tin tưởng, chia sẻ rủi ro và lợi ích từ cả hai phía.

Tư duy “hướng giải pháp”: Không có một giải pháp “bên ngoài chiếc hộp” dành cho việc hoàn thành đơn hàng trên nền tảng thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh. Nhu cầu khách hàng ngày càng tăng nhanh, cách thức doanh nghiệp đáp ứng những nhu cầu này cũng phải nhanh chóng, linh hoạt và “hướng khách hàng” hơn. Vì vậy, 3PL cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của “tốc độ lên kệ” (speed-to-shelf) và đưa ra những giải pháp phù hợp với thị trường đa dạng và độc đáo.

Đúng vậy, nguyên tắc thành công của dịch vụ hậu cần trên nền tảng thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tối thiểu hóa chi phí, rủi ro trong việc phát triển doanh nghiệp và tiếp cận thị trường nhanh hơn bằng cách tận dụng tối đa lợi thế của mạng lưới, nguồn lực, các mối quan hệ có sẵn.

Nguồn: Legacy Supply Chain Service, 05/2018

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

0938 545 272