“Đón nhận và đầu tư vào các công nghệ đang nổi lên sẽ giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh” – Gartner
Nhiều năm trước đây, người ta vẫn còn mãi tranh luận liệu công nghệ có nên được coi là lợi thế cạnh tranh trong quản lý chuỗi cung ứng (supply chain management – SCM) hay không. Và giờ đây, đó chỉ là chuyện của nhiều năm trước. Theo một nghiên cứu của Gartner: 65% chuyên gia SCM đã trả lời CÓ với câu hỏi – liệu ứng dụng các công nghệ mới nổi có nên được xem là một lợi thế cạnh tranh trong quản lý chuỗi cung ứng hay không.
Tiếp theo đó, báo cáo Gartner Predicts 2018 – Future of Supply Chain Operations đã vẽ ra bức tranh của sự kết nối giữa các công nghệ mới đột phá (từ trí tuệ nhân tạo AI đến blockchain) với chiến lược cạnh tranh và quản lý chuỗi cung ứng. Một tín hiệu cho thấy định hướng công nghệ cao trong SCM.
Dwight Klappich, phó chủ tịch mảng nghiên cứu của Gartner, cho biết: “Chắc chắn công nghệ mới có thể nâng cao được hiệu quả vận hành cũng như chất lượng dịch vụ, và tất nhiên, nó sẽ đưa quản lý chuỗi cung ứng lên một tầm cao mới. Như 90% các doanh nghiệp ở giai đoạn phát triển 4-5 sẽ hoạt động hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác trong ngành, và nhiều doanh nghiệp trong số đó được xem là doanh nghiệp đầu ngành.”
Nội dung bài viết
Robot di động tự vận hành (Autonomous Mobile Robots –AMRs)
“Đến năm 2021, 1/10 nhân viên kho truyền thống sẽ được thay thế bằng một robot tự vận hành.”
AMRs là một giải pháp mới và đầy sáng tạo để thay thế những thiết bị vận tải cũ kĩ trong kho được sử dụng từ những năm 1950s. Robot tự hành còn có thể trả lời được các câu hỏi về áp lực chi phí quản lý và chi phí nhân công kho bãi ở Châu Âu, Nhật, và Bắc Mỹ. Hiện tại, khả năng “nâng hàng” kém là cản trở duy nhất trong việc áp dụng robot tự hành. Và chắc chắn, khi giải pháp này đáp ứng được nhu cầu nâng hàng cần thiết trong kho, ngày mà AMRs thay thế các nhân viên kho truyền thống sẽ không còn xa nữa.
Lời khuyên: nếu bạn không sẵn sàng để áp dụng các công nghệ mới, hãy theo dõi thị trường, tham khảo những doanh nghiệp tiên phong trong ngành và áp dụng thử nghiệm để có được những kiến thức thực tiễn nhất.
Các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) tạm thời bị đình trệ…
“Đến năm 2021, 3/5 giải pháp AI ở các công ty đầu ngành với quy mô toàn cầu sẽ bì đình trệ vì vẫn chưa có được các nhân viên với kĩ năng phù hợp.”
Tiềm năng nâng cao hiệu quả vận hành của AI đã khiến giải pháp này trở thành hướng đi lớn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất. Giải pháp AI sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhân công ở nhiều công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, ở một vài công đoạn khác, AI đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia, như giai đoạn tổng lọc nội dung (content curation) hay khai thác dữ liệu (data ingestion). Và số lượng các chuyên gia như vậy vẫn còn rất hạn chế trong ngành. Điều này đã tạo nhiều áp lực lên các doanh nghiệp để họ có thể xây dựng được một đội ngũ nhân viên phù hợp với các kĩ năng cần thiết. Nếu không làm được điều này, tiến độ áp dụng các giải pháp AI ít nhiều sẽ bị tác động xấu.
Lời khuyên: doanh nghiệp cần phải xây dựng một cơ chế để quản lý hiệu quả tri thức, phát triển năng lực nhân viên một cách tốt nhất, và xác định lại các kĩ năng làm việc với dữ liệu cần thiết để vận hành sản xuất.
Giai đoạn thử nghiệm các giải pháp blockchain
“Đến năm 2020, 90% các giải pháp trên nền tảng blockchain sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm – đánh giá tính khả thi.”
Hiện nay, các chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng rất qua tâm về nền tảng “blockchain”. Tuy vậy, nền tảng công nghệ này vẫn chưa được phát triển đầy đủ. Các vấn đề về thử nghiệm đánh giá tính khả thi đang được đặt ra; nhiều chuỗi cung ứng đang thiết kế các nghiên cứu áp dụng thí điểm giải pháp blockchain liên ngành, ở nhiều địa điểm, với nhiều loại sản phẩm khác nhau. Theo dự đoán của Gartner, trong những năm sắp tới, giải pháp trên nền tảng blockchain vẫn chỉ ở giai đoạn thử nghiệm mức độ khả thi, thậm chí khi các rào cản lớn (như hệ sinh thái kinh doanh, luật pháp, chính phủ, hệ thống xác thực) được gỡ bỏ.
Lời khuyên: hãy dành thời gian để đánh giá năng lực, khả năng ứng dụng và giá trị của giải pháp trên nền tảng blockchain đối với chuỗi cung ứng của bạn trước khi dấn thân vào blockchain.
Trợ lý khách hàng ảo (Virtual Customer Assistants – VCAs)
“Đến năm 2021, ước tính 20% của tất cả các tương tác dịch vụ khách hàng sẽ được xử lý bởi các trợ lý khách hàng ảo hay chatbot.”
Hiện nay, trợ lý khách hàng ảo hay chatbots xử lý khoảng 2% các tương tác với khách hàng. Và ước tính trong 4 năm kế tiếp, con số này sẽ tăng lên 10 lần. Với sự hỗ trợ của công nghệ, trợ lý ảo ngày càng “thật” hơn – đồng cảm hơn, hiểu biết hơn, có năng lực xử lý các tương tác phức tạp cao hơn hay thậm chí không cần sự can thiệp của con người. Sự chuyển đổi này sẽ được nhìn thấy rõ vào đầu năm 2018 khi các doanh nghiệp đầu ngành như Amazon, IBM và Salesforce tung ra thị trường một nền tảng AI mới. VCA sẽ cho doanh nghiệp một lựa chọn mới, ít tốn kém hơn và nhanh hơn so với giải pháp con người hiện tại.
Lời khuyên: hãy khám phá năng lực giải pháp VCAs để hiểu hơn về tính ứng dụng và lợi ích mà nền tảng AI này mang lại cho dịch vụ khách hàng.
Nguồn: Gartner, 12/2017
Bài viết liên quan: