Sự sụp của gã khổng lồ Hanjin đã gây nên một cơn sốt những thảo luận gay gắt khắp nơi xoay quanh tác động của sự kiện này lên ngành vận tải biển và lên cả chuỗi cung ứng toàn cầu. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nhắm vào trọng tâm hoặc bên lề. Trên trang LinkedIn của Vivek Sood, ông đã phân tích một vài vấn đề trọng yếu dựa trên kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại Global Supply Chain Group. Smartlog xin trích dẫn để các bạn cùng tham khảo.
- Đây có phải là một cuộc khủng hoảng của toàn ngành vận tải biển nói chung, hay chỉ riêng Hanjin?
Ngành vận tải biển đã ở trong tình trạng khủng hoảng thừa tải (overcapacity) trong một thời gian, nhưng văn hóa chaebol (1) của Hàn Quốc, bưng bít thông tin, chống bất đồng quan điểm các tập đoàn gia đình phần lớn được bảo bộ bởi nhà nước gần như chắc chắn đã góp phần vào sự sụp đổ của Hanjin. Những hiểm họa của văn hóa này trước đó đã được nhấn mạnh khi, vào năm 2015, một thành viên nữ trong gia đình nắm quyền kiểm soát Hanjin đã dính líu vào vụ Korean Air “nutgate”(2) đáng xấu hổ khi người phụ nữ này giận dữ mắng một tiếp viên vì cách phục vụ sai một loại đậu. Hãng hàng không này là một phần của cùng một chaebol. Những lời buộc tội giao dịch nội gián đã nổi lên trong tập đoàn này từ đầu năm nay. Hàng loạt các sự kiện này có thể cuối cùng đã buộc chủ nợ là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (Korea Development Bank) đẩy Hanjin vào phá sản.
Tình trạng thừa tải (overcapacity) trong vận tải toàn cầu đang là một vấn đề thực sự khó khăn. Các công ty vận tải đặt những đơn hàng lớn cho các con tàu mới trong những năm sau “cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” với mong đợi một sự phục hồi thương mại mạnh mẽ mà không bao giờ được hiện thực hóa. Giờ đây, họ thấy mình bị tổn thất bởi mức giá vận chuyển thấp vì tình trạng thừa tải (overcapacity), và giá thép thấp khiến cho việc gửi các tàu dư thừa đến các hãng tháo dỡ tàu ở Bangladesh, Ấn Độ hay châu Phi không còn hiệu quả kinh tế nữa. Giá tăng sau sự sụp đổ của Hanjin sẽ chỉ giúp cho ngành công nghiệp này tạm nghỉ trong thời gian ngắn ngủi, bởi vì tình trạng thừa tải là quá lớn không thể sử dụng hết để bù đắp vào chỗ trống do Hanjin để lại, vốn chỉ chiếm khoảng 3-4% sản lượng trên toàn cầu. Ngay cả Maersk, một hãng tàu khổng lồ của Đan Mạch thuộc sở hữu gia đình lớn hơn Hanjin 5 lần, đang nghĩ đến việc tách nhỏ tập đoàn như một cách để đối phó với tình trạng suy thoái kéo dài.
Vấn đề còn tồi tệ hơn, khi hầu hết các nhà phân tích dự báo tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại trong nhiều năm và nhiều thập kỷ tới, với một báo cáo*** gần đây của Deutsche Bank đưa ra một dự báo đặc biệt ảm đạm trong tháng này.
2. Liệu đây có phải là một cú giáng đau đớn vào các công ty giao nhận (freight forwarders)?
Các công ty giao nhận đã gánh chịu một cú hit ngay lập tức sau sự phá sản của Hanjin. Giống như các đại lý du lịch, những sự kiện nằm hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ, chẳng hạn như những biến động hiện nay. Xét trên toàn cầu, không giống như ngành vận tải biển, ngành giao nhận hàng hóa không bị chi phối bởi một nhóm nhỏ các công ty – đôi khi để mô tả người ta sử dụng từ “không tập trung” (unconcentrated), mặc dù vẫn tồn tại hàng chục nhà giao nhận lớn chiếm lĩnh. Lợi nhuận được phân bổ không đều. Một công ty nhỏ hơn nhưng đã trở nên lão luyện nhờ ứng dụng các công nghệ dựa trên đám mây (cloud-based) và có thể cạnh tranh mạnh mẽ với những công ty lớn và lâu đời. Đối mặt với điều kiện chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục không có chiều hướng đi lên, hoặc thậm chí tệ hơn nữa là đi xuống, các công ty giao nhận có thể tìm kiếm sự cứu cánh thông qua giá trị gia tăng và hiệu quả hơn nhờ vào việc ứng dụng công nghệ – nhưng có những rào cản quan trọng trong một ngành mà truyền thống dựa trên sự thiếu minh bạch để kiếm thu nhập. Nhưng mối đe dọa tiềm tàng ngày càng tăng của “Amazon hóa (Amazonisation)” hoặc “Uber hóa (Uberisation)” của ngành giao nhận vận tải có thể khiến ít nhất một vài công ty giao nhận cố gắng thử vươn mình thoát ra tình trạng ảm đạm.
Hiện tại, các công ty giao nhận sẽ trong một thời gian ngắn hưởng lợi từ việc tăng nhẹ tạm thời trong giá cước vận tải, nhưng sự trở lại của tình trạng ảm đạm gần như không thể tránh khỏi buộc họ phải xâu xé lẫn nhau, mà điều này có thể châm ngòi cho những kiện tụng thương mại. Chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên nếu, trong tình cảnh tuyệt vọng của một số công ty, thỉnh thoàng nhìn thấy các tin tức trên báo về các cáo buộc hoặc tin đồn thay đổi giá so với trên hợp đồng pháp lý. Tình huống căng thẳng có thể dẫn đến hành vi khác thường. Cuối cùng, các công ty vận tải (shipping company) có thể tận dụng các nền tảng công nghệ mới nổi (technology platforms) để bỏ qua công ty giao nhận và kết nối trực tiếp với khách hàng cuối cùng, mặc dù đây chỉ là một xác suất hoặc khả năng dài hạn.
3. Liệu công nghệ có thể giải cứu chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi cuộc khủng hoảng?
Như có đề cập sơ qua ở trên, ngành giao nhận, ít nhất phải dựa trên mức độ kém minh bạch của thông tin để kiếm ra tiền. Tuy nhiên, ngành vận tải cũng như các chủ hàng có cơ hội cũng như một động lực đáng kể để bỏ qua các trung gian thông qua việc sử dụng công nghệ. Trong khi nhiều nhà cung cấp công nghệ (4) của sàn giao dịch dựa trên đám mây (cloud-based exchanges) đã và đang nổi lên, và việc đón nhận làn sóng Internet of Things (IoT), Big Data và Blockchain đang tiến gần hơn về phía chân trời mới, nhưng thực tế là chuỗi cung ứng toàn cầu có thể vẫn là ngành công nghiệp lớn cuối cùng không bị chi phối hoàn toàn bởi những hứa hẹn của công nghệ.
Điều đó có nghĩa rằng, mọi thứ có thể thay đổi trong vài năm tới, đặc biệt là nếu có nhiều sự kiện hơn nữa không thể đoán trước như vụ phá sản Hanjin có thể phá hoại toàn ngành và làm suy yếu những nổ lực không muốn thay đổi còn sót lại.
4. Có phải lực lượng thứ tư đang nổi lên?
Bởi vì các giám đốc điều hành phải vật lộn với sự biến động ngày càng nhiều của giá cước vận tải nên ảnh hưởng đến lợi nhuận có thể là đáng lo ngại. Ví dụ, trong một trường hợp cực đoan, ban giám đốc của một công ty hàng tỷ đô la, vẫn vận hành tốt và có lợi nhuận đã phải mời đến công ty giải pháp công nghệ như chúng tôi vì lợi nhuận của họ sụt giảm nhanh chóng do phí cước vận tải thay đổi chóng mặt.
Các ban giám đốc đang mong muốn có thể lèo lái làn sóng tiếp nối sóng chuyển đổi kinh doanh đang tấn công ồ ạt vào công ty của họ. Các vị giám đốc điều hành đang vỡ mộng với các nhà tư vấn truyền thống, hoặc các hệ thống ERP chung chung, do kỳ vọng quá cao mà tất cả thì thường tan biến nhanh – vì nhiều lý do khác nhau, có thể nội bộ hoặc bên ngoài. Chống lại sự thay đổi, hoài nghi, và mệt mỏi với thay đổi không phải là hiếm. Công nghệ, tự nó, không phải là một giải pháp – bởi vì nó tạo ra một số lượng tương đương các vấn đề.
Tuy nhiên vẫn có tia hy vọng lấp lánh ở cuối chân trời. Trong môi trường năng động hiện nay, các dịch vụ logistics bên thứ 4 (4PLs – Fourth party logistics services) đang nổi lên như một “lực lượng thứ tư”, mang đến những dịch vụ dựa trên tri thức, tùy chỉnh theo từng khách hàng giúp tận dụng tối đa công nghệ được xây dựng cho từng mục đích riêng.
—–
(1) Chaebol: (dùng ở Hàn Quốc) chỉ một tập đoàn kinh doanh lớn, thường là tập đoàn thuộc sở hữu gia đình
(2) Xem thêm “nut rage incident” hoặc nutgate tại https://edition.cnn.com/2015/02/12/world/asia/korean-air-nut-rage-verdict/
(3) Xem báo cáo của Deutsche Bank tại link này https://www.smh.com.au/business/the-economy/deutsche-bank-sees-world-economy-investment-reversing-for-the-next-35-years-20160909-grdacy.html
(4) Danh sách các công ty mới nổi cung cấp giải pháp công nghệ trong chuỗi cung ứng có thể kể đến là BRINGG, FLEXPORT, FREIGHTOS, WISETECH Global, XENETA,v.v và ở Việt Nam có Smartlog
—–
Smartlog dịch từ bài báo đăng trên LinkedIn của Vivek Sood, Global Supply Chain Group, mang tên “Hanjin and Other Jinns Looming Over Global Supply Chains”, tháng 09/2016
(*) Jinns: ở đây tác giả chơi chữ cùng là từ Jin nhưng theo tiếng Ả Rập nghĩa là ma quái, khó lường, biến đổi, ..
Bài viết liên quan: